Trang chủ / Góc sinh viên / Muôn kiểu chữa hậu COVID-19 trên mạng, coi chừng tự đánh mất ‘thời gian vàng’

Muôn kiểu chữa hậu COVID-19 trên mạng, coi chừng tự đánh mất ‘thời gian vàng’

/ 12:47 am 20/01/2022

Nhiều bạn trẻ lo lắng với các di chứng hậu COVID-19, lợi dụng tâm lý hoang mang của bệnh nhân, hàng loạt phương pháp điều trị hậu COVID-19 được rao tràn lan trên các trang mạng xã hội. Theo các chuyên gia y tế, điều này có thể bỏ lỡ mất thời gian vàng điều trị, nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

“Uống 3 tháng khỏi dứt điểm”?

Gần đây trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc bắc… có công dụng thần kỳ, uống chữa dứt điểm tình trạng hậu COVID-19.

Một tài khoản Facebook có tên là N.T. quảng cáo cho chúng tôi thực phẩm bảo vệ sức khỏe “I-B…” nhưng T. lại giới thiệu đây là một loại thuốc điều trị hậu COVID-19. “Trong cơ thể nó hư hỏng, bị lỗi chỗ nào thuốc sẽ sửa chữa chỗ đó. Hiện tại không có thuốc nào trị được hậu COVID-19, uống thuốc tây chỉ giảm được triệu chứng, dừng thuốc là còn bị nặng hơn nữa. Thuốc này thấm sâu vào tận tế bào, điều trị tận gốc hậu COVID-19 như phổi, gan, thận… không cần tập vật lý trị liệu cũng được”, T. chào mời.

T. ra giá cho chúng tôi 870.000 đồng/hộp 60 viên, uống 6 viên/ngày trong vòng 3 tháng sẽ hồi phục ngay.

Tương tự, một tài khoản khác có tên là “bác sĩ D.” tự giới thiệu chuyên bán các loại thuốc bắc hỗ trợ điều trị COVID-19 của một phòng khám y học cổ truyền tại Tân Bình, TP.HCM. Qua số điện thoại tư vấn, khi kể về triệu chứng, “bác sĩ mạng” này khuyên chúng tôi uống 20 thang thuốc mới hết được, 10 thang là 1,8 triệu đồng, 20 thang là 3,6 triệu đồng.

“Em có triệu chứng hậu COVID-19 phải uống 20 thang mới ổn, khỏi rồi uống bao nhiêu thang là tùy em. Thành phần chính chỉ cần biết là các vị thuốc bắc. Chị đã điều trị cho mấy ngàn người COVID-19 rồi chứ không chỉ riêng mình em, nên yên tâm”, “bác sĩ D.” hối mua. Các đơn thuốc được cho là điều trị hậu COVID-19 tràn lan trên các trang mạng xã hội mà không cần đi điều trị.

Không dựa mạng xã hội để uống thuốc

TS Trương Thị Ngọc Lan – phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM – cho biết hậu COVID-19 phần lớn là do suy nhược cơ thể, mỗi người một thể trạng sẽ có bài thuốc tương ứng khác nhau. Trong Đông y hiện nay không có bài thuốc nào điều trị chung cho tất cả các hội chứng hậu COVID-19.

Hiện nay mạng xã hội xuất hiện nhiều bài thuốc Đông y bán cho người bệnh là hết sức nguy hiểm, người bệnh không thể biết được nguồn gốc xuất xứ của thuốc ra sao, đã được Bộ Y tế cấp phép chưa… Không thể dựa trên mạng xã hội để uống thuốc được, nguyên tắc là phải khám bệnh trực tiếp cho người bệnh, bác sĩ mới được bốc thuốc.

TS Nguyễn Như Vinh – trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết hiện nay không có thuốc đặc trị nào có thể điều trị dứt điểm hậu COVID-19.

Hậu COVID-19 có thể từ bên ngoài như rụng tóc, nổi ban, tiêu chảy… cho đến phía bên trong như viêm phổi, đau khớp… điều trị sẽ tập trung vào từng cơ quan, bộ phận. Có 200 triệu chứng khác nhau liên quan đến hậu COVID-19 nên không có thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Các loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế thuốc.

Trong số các triệu chứng tổn thương cơ quan ở phía trong, nhiều trường hợp xét nghiệm lại thấy chỉ số xét nghiệm bình thường, nhưng không phải không có bệnh, bác sĩ vẫn ghi nhận có biện pháp can thiệp kịp thời từ hành vi, lời nói, tư vấn.

Theo TS Vinh, đối với các đơn thuốc một người dùng truyền tay nhiều người trong y khoa là điều cấm kỵ, bởi vì cùng một bệnh hai người khác nhau đã dùng thuốc khác nhau vì mức độ nặng, các bệnh lý đi kèm, giai đoạn bệnh, thể trạng khác nhau.

“Điều trị hậu COVID-19 không phải chỉ riêng việc dùng thuốc, phải kết hợp với vật lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tập thể dục có vai trò rất quan trọng trong điều trị hậu COVID-19, giúp cải thiện máu huyết lưu thông, tăng sức đề kháng. Người bệnh nên chọn những môn thể dục yêu thích, duy trì đều đặn tập cường độ càng ngày càng gia tăng theo sức chịu đựng”, TS Vinh nói.

Điều trị hậu COVID-19 ở đâu?

TS Vinh cho biết người mắc COVID-19 trước đó từng nằm viện điều trị, thở oxy nên đi khám lại vì có thể bị tổn thương phổi. Những người bị nhẹ nhưng vẫn còn triệu chứng nên đi khám.

Hiện TP.HCM có nhiều bệnh viện điều trị các di chứng hậu COVID-19 mà người dân có thể đến để thăm khám và điều trị như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược…

Theo TTO

Tags:
1900 2039