Trang chủ / Góc sinh viên / Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tập huấn về Xu thế phát triển của khoa học phân tích và ứng dụng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tập huấn về Xu thế phát triển của khoa học phân tích và ứng dụng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

/ 3:15 am 03/03/2022

Sáng 23/02/2022, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên, cán bộ nhân viên, nghiên cứu viên xoay quanh chủ đề “Xu thế phát triển của khoa học phân tích và ứng dụng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm”

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên năm học 2021-2022, sáng ngày 23/02/2022, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học theo chủ đề “Xu thế phát triển của khoa học phân tích và ứng dụng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm”. Chương trình vinh dự chào đón GS.TS. Phạm Hùng Việt – Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ Kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm (KLATEFOS), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chương trình tập huấn được tổ chức thông qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự góp mặt của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội liên ngành, PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; TS. Nguyễn Hữu Thuần Anh – Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ; TS. Võ Thị Diệu Hiền – Phó trưởng khoa Kỹ thuật Thực phẩm – Môi trường, cùng đông đảo quý thầy cô đang công tác tại các khoa, viện, phòng ban, và gần 500 sinh viên tham dự trên nền tảng Zoom và Fanpage của Trường.

Phát biểu tại chương trình, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ niềm vui và vinh dự được thay mặt Nhà trường đón tiếp và làm việc cùng GS.TS. Phạm Hùng Việt, một nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Hy vọng buổi tập huấn này sẽ gợi mở thêm những hướng nghiên cứu mới cho giảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên của Trường trong lĩnh vực hóa – thực phẩm – môi trường nói riêng và khoa học công nghệ nói chung. Đồng thời PGS.TS. Trần Thị Hồng cũng bày tỏ hy vọng trong thời gian tới đây Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tiếp tục có cơ hội hợp tác GS.TS. Phạm Hùng Việt và Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ Kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm, cả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học lẫn công tác đào tạo sau đại học và các hợp tác chuyển giao công nghệ khác.

PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Nhà trường, phát biểu tại chương trình

Trong buổi tập huấn GS.TS. Phạm Hùng Việt chia sẻ những nội dung về:

– Ứng dụng khoa học phân tích trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đây được xem là xu hướng tất yếu trong những nghiên cứu về môi trường hiện nay khi con người đang lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng, vật nuôi cũng như thực quyển, khí quyển và dần đi vào chuỗi thức ăn của chính con người.

– Khoa học phân tích là ngành khoa học liên quan đến việc sản xuất thông tin (định tính, định lượng và cấu trúc. Các thông tin này được tìm ra thông qua việc thực hiện quá trình phân tích để đáp ứng nhu cầu cụ thể từ khách hàng (fitness for purpose). Trong đó hóa học phân tích đóng vai trò quan trọng trong các khoa học phân tích.

– Hóa học phân tích là ngành khoa học trong đó phát triển, tối ưu hóa và áp dụng các phương pháp, sử dụng các công cụ và chiến lược để có được các thông tin về thành phần và bản chất (hóa học, sinh học, vật lý) của vật chất, cũng như giải quyết các vấn đề khoa học và xã hội. Thông tin hóa học định tính, định lượng và cấu trúc thu được bằng hóa học phân tích cung cấp một đại diện ba chiều về chất phân tích. Nhiệm vụ của một nhà hóa học phân tích là liên tục phát triển các phương pháp hoặc sử dụng các công cụ phân tích được phát triển để đạt được kết quả chính xác trong thời gian ngắn hơn, dễ dàng hơn và tiết kiệm hơn. Đơn giản hóa, tự động hóa và thu nhỏ là những xu hướng rõ ràng cho các phòng thí nghiệm phân tích, đặc trưng cho các quy trình phân tích mới hiệu quả và có tiềm năng lớn hơn để cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, sự phổ biến và linh hoạt của thiết bị công nghệ thông tin hiện đại và sự sẵn có của các công cụ giải thích hình ảnh và dữ liệu đã làm cho hóa học phân tích có chi phí thấp hơn và dễ tiếp cận hơn với xã hội nói chung.

– Trong lĩnh vực phân tích thực phẩm nói chung và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm nói riêng, hóa học phân tích đóng vai trò là “chìa khóa”. Sự an toàn của nguồn thực phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu của các bên liên quan trong ngành thực phẩm, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Với sự xuất hiện của những thách thức và vấn đề an toàn mới do ô nhiễm hóa học, vi sinh và môi trường gây ra, các phương pháp phân tích đang trở thành trọng tâm của các chương trình an toàn thực phẩm. Mặc dù vậy các hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm thường đòi hỏi cơ sở hạ tầng thiết bị đo lường tốn kém, với sự tham gia của các nhà khoa học có kinh nghiệm và kỹ năng. Thực tế này đặt ra yêu cầu về một giải pháp dựa trên thiết bị đo đơn giản, thu nhỏ và có chi phí thấp. Về mặt kỹ thuật, điều này có thể thực hiện được thiết bị điện di mao quản xách tay (CE) và phát hiện bằng detector đo độ dẫn điện không tiếp xúc (C4D).

– Xu hướng phát triển của hóa học phân tích luôn đi cùng theo tiến trình lịch sử của nhân loại. Ví dụ như cuộc Cách mạng lần thứ 2 đã làm thay đổi từ phân tích cổ điển sang phân tích công cụ với việc xuất hiện các thiết bị phân tích hiện đại. Xu hướng phát triển của hóa học phân tích hiện nay là xu thế thu nhỏ thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin. Mặt khác, ứng dụng trong kiểm soát chất lượng thực phẩm của các hệ thống CE-C4D đơn giản và thu nhỏ được đưa ra một cách cụ thể. Các thiết bị này đã được ứng dụng để phân tích các chất dinh dưỡng chính trong đồ uống, thực phẩm chức năng như taurine, choline, amino axit. Bên cạnh đó, các hợp chất có hoạt tính sinh học trong một số loại thực phẩm chức năng thường dùng cũng đã được xác định là 10-HDA trong sữa ong chúa; adenosine, inosine và cordycepin trong đông trùng hạ thảo.

– Nhìn chung xu hướng phát triển của hóa học phân tích hiện nay là sự kết hợp của công nghệ điện tử, công nghệ nano, các thuật toán… nhằm tạo ra các công cụ hóa phân tích nhỏ gọn có thể đo lường trực tiếp tại hiện trường đem lại kết quả nhanh chóng và chính xác hơn. Tuy nhiên các công cụ này ở Việt Nam hiện rất hạn chế do sự khó khăn về tài chính, chỉ có một số phòng nghiên cứu trọng điểm hoặc chuyên biệt của cơ quan Nhà nước mới được sử dụng.

Cũng tại buổi tập huấn GS.TS. Phạm Hùng Việt đã giới thiệu thêm về Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ Kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm (KLATEFOS), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một trong 7 phòng nghiên cứu trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội. KLATEFOS có 3 nhánh nghiên cứu là: Địa hóa Môi trườngCác hợp chất hữu cơPhát triển và chế tạo công cụ với 4 hướng nghiên cứu chính là: nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; nghiên cứu phát triển; nghiên cứu áp dụng và chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các ứng dụng trong lĩnh vực môi trường, sức khỏe, thực phẩm, dược phẩm…

Cuối buổi tập huấn, PGS.TS. Trần Thị Hồng đã thay mặt Nhà trường gửi lời cảm ơn GS.TS. Phạm Hùng Việt đã có những thông tin chia sẻ vô cùng hữu ích. PGS.TS. Trần Thị Hồng cho rằng nghiên cứu an toàn thực phẩm là một trong những chủ đề nóng hiện nay thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có khoa Kỹ thuật Thực phẩm – Môi trường và một số viện nghiên cứu cũng đã và đang quan tâm đến hướng nghiên cứu này, hy vọng GS.TS. Phạm Hùng Việt và KLATEFOS sẽ hỗ trợ tập huấn sử dụng phòng thí nghiệm công nghệ cao của KLATEFOS, qua đó hướng dẫn nghiên cứu cho giảng viên, nghiên cứu viên của Trường.

GS.TS. Phạm Hùng Việt nhận lời hỗ trợ tập huấn, mong muốn sớm được đón các thành viên của NTTU đến thăm và làm việc tại KLATEFOS

Chương trình dù được tổ chức thông qua hai hình thức trong đó người tham gia trực tuyến là chính nhưng vẫn diễn ra sôi nổi với những câu hỏi đến từ phía các giảng viên, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và phần trả lời của diễn giả.

Thêm một số hình ảnh tại chương trình:

Phòng Khoa học Công nghệ

Tags:
1900 2039