Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, TP sẽ bắt đầu tiêm mũi vắc xin bổ sung cho người nguy cơ cao và mũi nhắc lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sau 6 tháng, từ 10-12 tới đây.
Theo hướng dẫn này, liều bổ sung tiêm cho những người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch, như người ghép tạng, ung thư, nhiễm HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng và đã được tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày, ưu tiên cho người từ 50 tuổi trở lên.
Đối với liều nhắc lại, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng, trong đó ưu tiên tiêm cho người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 và nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
TP.HCM sẽ triển khai tiêm liều bổ sung, nhắc lại từ 10-12, ưu tiên tiêm trước liều bổ sung ngay trong tháng 12, từ tháng 1-2022 tiêm liều nhắc lại, trong 2022 tiêm liều nhắc lại cho toàn thể người dân TP.
Vắc xin sử dụng tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại sẽ là vắc xin mNRA và vector virus như Pfizer, Moderna, AstraZeneca…
TP.HCM phát động chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ
TS.BS Nguyễn Trọng Hào, giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, đơn vị phụ trách Bệnh viện dã chiến 12, cho biết Bệnh viện Da liễu vừa điều động khẩn 45 y bác sĩ trở lại Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức) để chuẩn bị các công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trong trường hợp mắc COVID-19 thuộc biến chủng mới Omicron.
Theo đó, những người nhập cảnh về nước, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sẽ được chuyển về bệnh viện này cách ly, điều trị, sau đó sẽ được giải trình tự gene xem có nhiễm biến chủng Omicron hay không.
UBND TP.HCM đã phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” với mong muốn ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ nhiễm COVID-19, phát hiện sớm để kịp thời điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong,
Trong thời gian qua, TP.HCM ghi nhận phần lớn những người tử vong do COVID-19 tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus trước đó.
Giai đoạn đầu của chiến dịch (từ ngày 7-12 đến ngày 31-12) sẽ tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Sau đó TP sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong năm 2022 cho những trường hợp trên 50 tuổi.
Tính đến 7-12, TP.HCM ghi nhận 18.557 ca tử vong, tỉ lệ tử vong lên tới 3,9%, gần gấp đôi con số chung của cả nước và là địa phương có tỉ lệ tử vong cao nhất nước.
Giai đoạn gần đây khi số ca tử vong tăng trở lại, nhóm nguy cơ cao nhất là người từ 50 tuổi trở lên và có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
– Ngày 7-12, Hà Nội phát hiện 600 ca nhiễm COVID-19 mới trong đó có 202 ca cộng đồng, 236 ca trong khu cách ly và 162 ca trong khu phong tỏa. Từ ngày 11-10 đến nay, Hà Nội phát hiện hơn 10.500 ca COVID-19 mới, nhiều nhất tại quận Đống Đa với hơn 1.200 ca. Trung bình mỗi ngày Hà Nội thêm gần 190 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 14.546 ca, trong đó số ca cộng đồng 5.604, số ca được cách ly 8.942.Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện công lập, tư nhân phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển F0 an toàn, hạn chế tối đa sự chờ đợi của người bệnh.
– Vĩnh Phúc, ngày 7-12 ghi nhận 51 ca COVID-19, trong đó có 31 ca cộng đồng. Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 trở lại đây, tỉnh ghi nhận 1.474 ca COVID-19, trong đó có 419 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và 3 bệnh nhân tử vong. Vĩnh Phúc đã tổ chức tiêm 1.526.680 liều vắc xin COVID-19 cho 769.166 người (đạt 94.93% dân số ).
– Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 ở cấp THPT tại Bình Dương đạt trên 97%, học sinh khối 7, 8, 9 đạt trên 95% mũi 1, riêng khối 9 đã hoàn thành mũi 2. Dự kiến cuối tháng 12-2021, tỉnh này sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh từ 12-17 tuổi.
Về đánh giá cấp độ dịch bệnh, trên địa bàn hiện có 27/91 xã, phường có nguy cơ dịch cấp độ 3. Trong đó toàn thành phố Thủ Dầu Một có 14 xã, phường cấp độ 3, Dầu Tiếng có 6 xã và Bến Cát có 3 xã, phường cấp độ 3.
– Bạc Liêu, tính đến 6h ngày 7-12, ghi nhận 17.085 ca dương tính; 5.888 bệnh nhân đang được cách ly điều trị; 11.053 người đã bình phục; 144 người tử vong. Từ ngày 7-12, Bạc Liêu sẽ ở cấp độ dịch là cấp độ 3 – nguy cơ cao (vùng cam).
– Bình Định tính đến ngày 7-12, số ca COVID-19 trên địa bàn lên tới 5.879 ca, trong đó có 3.298 người đã khỏi bệnh, 2.556 bệnh nhân đang điều trị và 25 người tử vong. Từ ngày 15-10 tới ngày 6-12, tỉnh ghi nhận 4.169 ca COVID-19, trung bình mỗi ngày có 76,6 ca, tăng 65,5 ca/ngày so với trước đó.
– Đến nay, Long An phát hiện 38.851 ca COVID-19, trong đó có 9.159 cacộng đồng; 25.262 ca trong khu phong tỏa; 4.430 ca trong khu cách ly. Tỉnh đã điều trị khỏi 36.611 ca (94,23%); 662 ca tử vong (1,7%), 1.017 ca (2,61%) đang điều trị tại bệnh viện…
Ngoài ra, Long An cũng đã triển khai tiêm 2.908.398 mũi vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; trong đó, có 1.484.822 người được tiêm mũi 1 (đạt 102,2%) và 1,423,576 người đã tiêm mũi 2 (đạt 98%). Tỉnh đã tiêm được 152.182 mũi vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi, trong đó có 151.938 trẻ được tiêm mũi 1 (đạt 90,6%) và 244 trẻ đã tiêm mũi 2 (đạt 0,15%)./.
Theo TTO