Trang chủ / Góc sinh viên / Tin sáng 27-9: TP.HCM tỉ lệ dương tính vùng đỏ, cam giảm đúng theo dự kiến – nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian

Tin sáng 27-9: TP.HCM tỉ lệ dương tính vùng đỏ, cam giảm đúng theo dự kiến – nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian

/ 8:02 am 27/09/2021

Theo thông tin từ CDC TP.HCM, hiện các quận huyện của TP tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian. Tổng cộng đến nay đã tiêm được 9.441.815 mũi tiêm, trong đó có 7.101.405 mũi 1 và 2.340.410 mũi 2.

Tỉ lệ dương tính tại vùng đỏ, cam của TP.HCM giảm tiếp còn 0,3%

Về xét nghiệm, TP có trên 2,3 triệu hộ dân, trong đó trên 386.850 hộ dân thuộc vùng đỏ, trên 171.930 hộ dân thuộc vùng cam.

Xét nghiệm toàn thành phố trong 6 đợt có kết quả vùng cam và đỏ, thực hiện lấy mẫu bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh với tỉ lệ dương tính giảm từ 3,7% trong đợt 1 xuống còn 1,1% trong đợt 6.

Đối với vùng xanh, cận xanh và vàng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp theo đại diện hộ gia đình. Tỉ lệ dương tính vùng xanh – cận xanh và vùng vàng lần lượt giảm từ 0,9% và 1,8% trong đợt 1 xuống còn 0,7% và 0,9%.

Lấy mẫu xét nghiệm trong đợt 7 triển khai theo công văn số 3113/BCĐ-VX ngày 20-9 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố. Tỉ lệ dương tính ở vùng đỏ và vùng cam hiện đang là 0,3%, tiếp tục giảm mạnh so với đợt 6.

Trong báo cáo kế hoạch phòng chống dịch đến 30-9, Sở Y tế TP.HCM đưa ra nhiều đề xuất để UBND TP kiến nghị Bộ Y tế, Chính phủ.

Trong đó có kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm vắc xin phòng COVID-19; tiếp tục góp ý và kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành các tiêu chí giúp đánh giá, cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh, cùng các biện pháp đáp ứng “khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế – xã hội của TP”.

Nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp, Sở Y tế TP kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực y tế cơ sở.

Cụ thể, sớm bổ sung nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở; điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở.

Mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế, có cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.

Tại buổi họp báo chiều 26-9, ông Phạm Đức Hải – phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM – lý giải việc TP xin áp dụng quy định riêng để mở cửa nền kinh tế là do dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế có một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn ở TP.

Theo ông Hải, ngày 24-9 UBND TP có công văn số 3165 gửi Thủ tướng về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.

Theo văn bản này, TP có 2 đề nghị.

Thứ nhất, cho phép áp dụng quy định riêng để thực hiện quyết định của Thủ tướng, từ đó có thể mở cửa nền kinh tế.

Thứ hai là ưu tiên vắc xin cho TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn.

Ông Hải lý giải theo dự thảo hướng dẫn về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Bộ Y tế, có một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn phòng chống dịch tại TP, cũng như chưa phù hợp với tính thực tiễn về lịch sử, địa lý, dân số của TP.

Do vậy, chủ tịch UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho TP một quy định riêng nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế tại địa bàn TP.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hiện dự thảo hướng dẫn về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đang trong quá trình xây dựng và tiếp thu các ý kiến góp ý, trong đó có ý kiến từ TP.HCM và sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn.

Theo TTO

Tags:
1900 2039