Trang chủ / Góc sinh viên / Thành phố Hồ Chí Minh: Tái cơ cấu cơ sở y tế điều trị Covid-19

Thành phố Hồ Chí Minh: Tái cơ cấu cơ sở y tế điều trị Covid-19

/ 7:52 am 18/10/2021

Bệnh viện dã chiến số 4 là bệnh viện dã chiến đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh được giải thể sau 100 ngày hoạt động. Qua đó khẳng định, thành phố đã vượt qua giai đoạn cam go nhất của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Để trở lại với trạng thái “bình thường mới”, thành phố đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc hệ thống cơ sở y tế nhằm sống chung an toàn với dịch Covid-19.

Quãng thời gian khó khăn

Dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh từ cuối tháng 4-2021. Theo Sở Y tế, đến đầu tháng 5, tỷ lệ nhiễm bệnh là dưới 20 ca/100.000 dân/tuần (cấp độ 1). Tuy nhiên, chỉ 4 tuần sau đó, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 đến dưới 50 ca/100.000 dân/tuần). Để ứng phó với tình hình, thành phố đã thiết lập 2 bệnh viện dã chiến (900 giường) và chuyển công năng của 9 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị Covid-19 (4.238 giường).

Đến ngày 7-7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 đến dưới 150 ca/100.000 dân/tuần). Số ca mắc mới vượt 3.000 ca/ngày. Mặc dù thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường, chuyển công năng thêm 5 bệnh viện, nhưng tất cả các cơ sở y tế đều quá tải. Đến ngày 16-7, dịch Covid-19 đã chuyển sang cấp độ 4 (>150 ca/100.000 dân/tuần).

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 4 chia sẻ: “Bệnh viện dã chiến số 4 hình thành từ 20 khối nhà tái định cư cũ. Chỉ sau 1 tuần hoạt động vào trung tuần tháng 7, chúng tôi đã đạt 100% công suất giường, với gần 4.100 bệnh nhân Covid-19”.

Tính đến ngày 17-8, thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến (39.398 giường) và chuyển công năng 54 bệnh viện (15.261 giường), nhưng bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, lên đến 2.105 ca/tuần vào tuần lễ từ 18 đến 24-8. Trong vòng 1 tháng sau đó, thành phố tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp, nâng số giường điều trị có ô xy từ 2.000 lên 13.000 giường. Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nói: “Thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do dịch Covid-19, tính đến đầu tháng 10-2021, đã có hơn 415.000 ca nhiễm; số ca tử vong lên đến hơn 15.000 người”.

Thích ứng tình hình mới

Với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; sự trợ giúp hiệu quả từ trung ương và các tỉnh, thành phố, cùng nỗ lực của các cấp, các ngành của thành phố, dịch Covid-19 đã từng bước được kiểm soát. Tính đến đầu tháng 10-2021, thành phố đã thiết lập được hệ thống y tế 3 tầng điều trị gồm gần 500 trạm y tế cơ động chăm sóc và điều trị F0 tại nhà; 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường).

Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, với hệ thống y tế hiệu quả này, số ca tử vong giảm từ 4 con số xuống 2 con số/ngày. Số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm từ 4 xuống 3 con số. Số bệnh nhân ra viện cao hơn số nhập viện.

Trong tình hình mới, thành phố đã có kế hoạch tái cơ cấu hệ thống cơ sở y tế để sống chung an toàn với dịch Covid-19.

Thành phố đã thiết lập các đội y tế cơ sở tại 312 phường, xã, thị trấn để cùng các trạm y tế tại đây chịu trách nhiệm điều trị F0 tại nhà. Ngành Y tế thiết lập các bệnh viện dã chiến trực thuộc UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức để thu dung điều trị tại chỗ các F0 tăng nặng hoặc nguy kịch. Các bệnh viện đa khoa quận, huyện; các bệnh viện của thành phố được trả lại công năng cũ để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh thông thường.

Thực hiện kế hoạch này, ngày 16-10, Bệnh viện dã chiến số 4 là bệnh viện dã chiến đầu tiên giải thể sau 100 ngày hoạt động. “Thành phố chỉ giữ lại các bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16 vì đây là các bệnh viện được xây mới, trở thành bệnh viện 3 cấp điều trị Covid-19”, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam thông tin.

Về tiếp nhận các trung tâm hồi sức Covid-19, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng thông tin, ngày 13-10, Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận Trung tâm Hồi sức thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 20-10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận Trung tâm Hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Riêng Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ vận hành Trung tâm Hồi sức tại Bệnh viện dã chiến số 14 đến cuối năm 2021… “Chúng tôi duy trì khoảng 3.200 giường hồi sức cấp cứu và có đủ nhân lực để tiếp nhận và điều trị hiệu quả bệnh nhân Covid-19 nặng trong thời gian tới”, bác sĩ Tăng Chí Thượng nói.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Theo TTO

 

Tags:
1900 2039