Theo Bộ Y tế, từ 17h30 ngày 5-12 đến 17h30 ngày 6-12, TP.HCM có 94 ca COVID-19 tử vong, trong đó có 8 ca từ các tỉnh chuyển đến. Đây là ngày TP ghi nhận ca tử vong cao nhất trong 2 tháng tính từ ngày 5-10. Cả nước số ca tử vong trên 220…
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM – cho biết ca tử vong tại TP chủ yếu là người cao tuổi, bệnh nền, chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều.
Để hạn chế số lượng này, sở tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP xây dựng Kế hoạch chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho những người nêu trên, chuẩn bị trình UBND TP xem xét trong thời gian sớm nhất. Kế hoạch dự kiến tập trung tối đa trong tháng 12 này và duy trì cho đến hết năm 2022.
Để ứng phó với biến chủng mới Omicron, bà Mai cho hay ngành y tế phối hợp với các lực lượng liên quan xây dựng thế trận y tế mới nhận diện từ xa theo chức năng, nhiệm vụ để phối hợp tác chiến.
TP cũng sẽ xây dựng khu vực riêng để tiếp nhận, sàng lọc và điều trị khi phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Khu vực này cách ly với các khu vực khác.
Người nhập cảnh vào TP.HCM phải cách ly tập trung 7 ngày và tại nhà 7 ngày
Đây cũng là một trong những kế hoạch của TP.HCM nhằm ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập đối với người nhập cảnh chính thức bên cạnh tiêm đủ vắc xin theo quy định – được ông Nguyễn Hồng Tâm – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – cho biết trong buổi họp báo chiều 6-12.
Đối với đường hàng hải, người nhập cảnh nếu không lên bờ sẽ được cách ly tại tàu. Để đối phó với nguồn lây thông qua nhập cảnh trái phép, ngành y tế đã phối hợp với lực lượng công an để rà soát, theo dõi, phát hiện, cách ly tuyệt đối những trường hợp này.
HCDC cho biết thêm, trên địa bàn TP hiện có hàng chục ngàn công nhân ở nhiều tỉnh đến sinh sống, làm việc. Các địa phương có khu công nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch ở các khu nhà trọ.
Nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại khu nhà trọ và đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực nhiều người lưu trú, người dân tại đây cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Số ca COVID-19 nặng tăng
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, tính đến chiều 6-12 cả nước ghi nhận trên 1,043 triệu ca COVID-19, gần 714.600 bệnh nhân đã khỏi bệnh, chiếm 68,5%, 23.774 người đã tử vong, chiếm 2,3% tổng số mắc.
Như vậy, tỉ lệ tử vong đã tăng lại và cao hơn nhiều so với tỉ lệ chung của thế giới (2%).
Hiện còn 302.860 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi, trong đó có 176.940 người theo dõi, điều trị tại nhà, 14.455 người theo dõi, điều trị tại khu cách ly, 113.786 người đang theo dõi, điều trị tại 904 bệnh viện.
Trong số ca đang điều trị tại bệnh viện, có 12.674 ca nặng phải thở oxy, bao gồm 892 ca thở máy.
So với trung bình 7 ngày trước, con số ngày 6-12 cho thấy số ca bệnh mới tăng 2,9%, số ca tử vong tăng 9,7%, số ca đang điều trị giảm nhưng số ca nặng tăng 93%. So sánh với tuần trước, số ca mắc mới tuần này tăng 18,8%, so với tháng trước số mắc mới tăng 157,8%.
Hiện TP.HCM là địa phương có tỉ lệ ca mắc COVID-19 bị tử vong cao nhất nước, lên tới 3,9%, kế đến là Tiền Giang 2,3%. An Giang 2%, Long An 1,7%, Ninh Thuận và Đà Nẵng cùng 1,5%…
Bộ Y tế gửi công điện, yêu cầu điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa tử vong
Tối qua 6-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện gửi các tỉnh thành, cho biết Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron nhưng nguy cơ rất lớn.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chống dịch dựa trên nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân, trong đó ý thức của người dân là 1 trong số 3 trụ cột.
“Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án sẵn sàng đáp ứng với các tình huống chống dịch COVID-19 trên địa bàn, tiếp cận người bệnh từ sớm thông qua các trạm y tế, tổ y tế lưu động, không để người bệnh thiếu thuốc hoặc không liên lạc được với cơ sở y tế, không được tư vấn…” – Bộ Y tế yêu cầu.
Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt là các trường hợp đi/đến từ các quốc gia có ghi nhận biến chủng Omicron; tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm, viêm phổi nặng do virus, giám sát dựa vào sự kiện, phát hiện sớm ca mắc thông qua sàng lọc người ho sốt tại cộng đồng.
Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, đảm bảo đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 ngay sau khi được tiếp nhận.
Theo TTO