Trang chủ / Góc sinh viên / Hiểu đúng về vaccine

Hiểu đúng về vaccine

/ 6:29 am 29/11/2021

Bài viết nhằm cung cấp những thông tin hiểu biết chung cho quý thầy cô, các bạn sinh viên theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về vaccine trong việc phòng chống COVID-19 hiện nay.

Vi sinh vật có mặt ở xung quanh chúng ta, trong môi trường và ngay cả trên cơ thể chúng ta. Khi một người nhạy cảm và gặp phải một sinh vật có hại, nó có thể dẫn đến bệnh tật và thậm chí là tử vong. Tiêm vaccine là một trong các biện pháp hiệu quả giúp con người phòng ngừa bệnh tật, giảm nhẹ triệu chứng bệnh khi mắc phải…

PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN CỦA CƠ THỂ

Mầm bệnh có thể là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc vi nấm.  Cơ thể có nhiều cách để tự bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh. Da, chất nhờn và lông mao đều hoạt động như những rào cản vật lý để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Khi một mầm bệnh xâm nhiễm vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt để tấn công, loại bỏ và tiêu diệt mầm bệnh.

Mỗi mầm bệnh được cấu tạo bởi nhiều thành phần, đó có thể là các cấu trúc đặc trưng riêng cho mỗi loại tác nhân. Trong cấu tạo của sinh vật gây bệnh, có các cấu trúc mang tính kháng nguyên (antigen) – có khả năng kích thích cơ thể vật chủ hình thành kháng thể (antibody). Kháng thể phản ứng với kháng nguyên gây bất hoạt, hủy hoại độc lực của kháng nguyên, khiến mầm bệnh mất khả năng gây hại cho vật chủ. Cơ thể chúng ta có hàng ngàn loại kháng thể khác nhau. Khi cơ thể tiếp xúc lần đầu với kháng nguyên, hệ thống miễn dịch cần có thời gian để nhận diện, đáp ứng và sản xuất kháng thể đặc hiệu cho kháng nguyên đó.

Khi kháng thể đặc hiệu được hình thành, cùng với các yếu tố khác của hệ miễn dịch, chúng bắt đầu tấn công tiêu diệt kháng nguyên. Nhìn chung, kháng thể của mầm bệnh này không thể bảo vệ cơ thể vật chủ để chống lại mầm bệnh khác, trừ khi các mầm bệnh có các đặc điểm kháng nguyên tương đồng hoặc giống nhau (thường gặp khi các sinh vật gây bệnh cùng nhóm phân loại sinh vật). Khi cơ thể vật chủ hình thành được kháng thể đặc hiệu để tấn công kháng nguyên, cơ thể cũng đồng thời tạo ra được các tế bào “nhớ” tạo nên “trí nhớ miễn dịch” – các tế bào này thường tồn tại một thời gian dài sau khi mầm bệnh đã được loại bỏ. Nếu cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh đó thêm lần nữa, vật chủ sẽ tạo kháng thể nhanh hơn và hiệu quả hơn lần đầu – gọi là “đáp ứng lần 2”

Vaccine có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của con người 

VACCINE

Vaccine chứa thành phần chính là các cấu trúc có tính kháng nguyên có khả năng kích thích cơ thể vật chủ sản xuất được kháng thể đặc hiệu tương ứng. Thành phần hoạt tính này có thể là tác nhân gây bệnh đã bất hoạt hoặc một phần cấu trúc của tác nhân gây bệnh như protein, polysaccharid… Các vaccine thế hệ mới hiện nay chứa các “bản thiết kế” (blueprint) giống y hệt của tác nhân gây bệnh nhưng nguồn gốc không phải từ các mầm bệnh này. Ngoài ra, vaccine còn có chứa các thành phần khác giúp giữ ổn định tính chất của sản phẩm, bảo quản vaccine… Các thành phần này đều phải an toàn cho người sử dụng.

Tiêm vaccine được xem như lần đầu tiếp xúc với mầm bệnh, đến khi cơ thể gặp mầm bệnh thực sự sẽ tạo được “đáp ứng lần 2” nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn. Tiêm vaccine là cách “huấn luyện” cơ thể có khả năng chống lại sinh vật gây bệnh và xây dựng trí nhớ miễn dịch. Một số vaccine chỉ cần 1 liều nhưng một số vaccine lại cần sử dụng nhiều liều, các liều cách nhau vài tuần đến vài tháng tùy theo loại. Điều này giúp ích để cơ thể duy trì trí nhớ miễn dịch và tạo kháng thể trong một thời gian dài hơn.

Cần nhớ rằng vaccine không cung cấp khả năng bảo vệ 100% đối với người đã chủng ngừa. Việc tiêm chủng giúp hạn chế nguy cơ phát sinh bệnh nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh và nếu không may mắc bệnh, triệu chứng bệnh thường nhẹ nhàng hơn.

Việc tiêm chủng giúp hạn chế nguy cơ phát sinh bệnh nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh và nếu không may mắc bệnh

MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG

Hiển nhiên, khi một người được chủng ngừa, họ có thể được bảo vệ trước một căn bệnh mục tiêu nào đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để thực hiện việc chủng ngừa. Những người có hệ miễn dịch suy giảm (HIV/AIDS, ung thư…) hoặc dị ứng nghiêm trọng với các thành phần của vaccine không thể thực hiện việc chủng ngừa. Tuy vậy, những người này vẫn có thể được bảo vệ nếu họ sống trong một cộng đồng đã được tiêm chủng.  Khi nhiều người trong một cộng đồng được chủng ngừa, mầm bệnh sẽ khó lưu hành vì hầu hết những người tiếp xúc với mầm bệnh đều đã được miễn dịch. Vì vậy, càng nhiều người được tiêm chủng thì những người không đủ điều kiện tiêm chủng càng ít có nguy cơ bị phơi nhiễm mầm bệnh. Đây được gọi là miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng là một yếu tố bảo vệ quan trọng cho những người chưa hoặc không thể tiêm chủng nhưng không phải là sự bảo vệ đầy đủ nhất. Vì vậy, nếu có thể, hãy tiêm chủng để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

PHÁT TRIỂN VACCINE

Có rất nhiều loại vaccine đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua. Con người đã phát triển thành công các loại vaccine cho các bệnh lý nghiêm trọng đe dọa tính mạng như viêm màng não, uốn ván, sởi, bại liệt… Tương tự như tất cả các loại thuốc, mọi loại vaccine đều phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt và rộng rãi để đảm bảo an toàn và hiệu quả trước khi đưa vào sử dụng.

Đầu tiên phải tiến hành xác định kháng nguyên nào nên được sử dụng để tạo vaccine. Trong giai đoạn tiền lâm sàng, vaccine được thử nghiệm trên động vật để đánh giá tính an toàn và khả năng ngăn ngừa bệnh tật. Nếu kích hoạt được phản ứng miễn dịch, vaccine sẽ được thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên người theo 3 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Vaccine được tiêm cho một số ít người tình nguyện (trẻ tuổi, khỏe mạnh) để đánh giá độ an toàn, xác nhận tính sinh miễn dịch của vaccine và xác định liều lượng thích hợp.

– Giai đoạn 2: Vaccine được tiêm cho vài trăm tình nguyện viên để đánh giá thêm về độ an toàn và khả năng tạo miễn dịch, đồng thời so sánh với một nhóm tương tự không được tiêm. Những người tham gia giai đoạn 2 phải có đặc điểm giống nhau (độ tuổi, giới tính…) và giống với đối tượng cần chủng ngừa mục tiêu của vaccine. Giai đoạn này thường đánh giá hiệu quả của vaccine trên nhiều nhóm tuổi khác nhau và so sánh hiệu quả của các công thức vaccine đang phát triển.

– Giai đoạn 3: Vaccine được tiêm cho vài ngàn tình nguyện viên và so sánh với một nhóm tương tự không được tiêm. Giai đoạn này được tiến hành ở nhiều nơi trong một quốc gia và tại nhiều quốc gia để phát hiện các tính chất khác biệt của vaccine trên các nhóm dân số khác nhau.

Thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 là thử nghiệm “mù” – tức tình nguyện viên và các nhà khoa học tham gia vào thử nghiệm không biết thông tin tình nguyện viên nào được tiêm vaccine hay được tiêm sản phẩm so sánh để các thông tin ghi nhận được là khách quan nhất. Sau khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng, cần thực hiện hàng loạt các bước để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của vaccine. Một vaccine phải được chứng minh là an toàn và hiệu quả trên nhiều cộng đồng dân số trước khi được phê duyệt và đưa vào sử dụng. Mỗi quốc gia sẽ xem xét dữ liệu nghiên cứu và quyết định có cho phép sử dụng vaccine hay không.

Ngay cả khi vaccine được đưa vào sử dụng, tính an toàn và hiệu quả của vaccine vẫn được giám sát chặt chẽ. Điều này cho phép các nhà khoa học tiếp tục theo dõi tác động và độ an toàn của vaccine khi chúng được sử dụng cho một số lượng lớn người trong một khoảng thời gian dài hơn. Những dữ liệu này được sử dụng để điều chỉnh các chính sách sử dụng vaccine nhằm tối ưu hóa tác động của chúng và theo dõi an toàn trong suốt quá trình sử dụng.

(Theo WHO – World Health Organization)

*https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/how-are-vaccines-developed

*https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/how-do-vaccines-work

Bài: Lê Quang Hạnh Thư – Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học

Hình: Internet

Tags:
1900 2039