Mỗi tua làm việc của y bác sĩ kéo dài 8-10 giờ/ngày trong điều kiện mặc đồ bảo hộ liên tục có thể gây mất nước, điện giải, thường xuyên phải trực cấp cứu đến 12 giờ/ngày”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết
Trong văn bản vừa gửi tới Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, Thứ trưởng Sơn cho biết cần quan tâm tới đội ngũ thầy thuốc ở tâm dịch.
Theo ông Sơn, tại Bệnh viện dã chiến ở Bình Chánh, mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải nỗ lực quản lý, điều trị khoảng 150 người bệnh, ca trực kéo quá dài nhưng y bác sĩ vẫn dốc sức làm việc vì người bệnh.
“Tình hình dịch tại TP.HCM đang trên đà cố gắng để có thể kiểm soát, đòi hỏi sự chăm sóc y tế tốt hơn để giảm chuyển tuyến, giảm nguy kịch và tử vong trong số những người nhiễm COVID-19. Hiện nay TP đang có sự tham gia chống dịch của đội ngũ thầy thuốc từ nhiều tỉnh thành, nhưng vẫn cần chi viện thêm” – ông Sơn đề xuất.
Trước đó, sau khi khảo sát, Thứ trưởng Sơn đề nghị tăng hỗ trợ cho nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến vì mỗi tua trực của y bác sĩ thường kéo dài 8-10 giờ, mặc đồ bảo hộ rất nóng, dễ mất nước, điện giải, trực cấp cứu thường kéo dài tới 12 giờ, trong khi suất ăn còn thiếu về lượng và chất.
Khi y bác sĩ bị nhiễm COVID-19 thì suất ăn lại giảm hơn so với người đang khỏe, không đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Đã có 3 y bác sĩ hy sinh, gần 2.500 người nhiễm COVID-19 trong dịch, hàng chục ngàn người đang tạm biệt gia đình để chi viện chống dịch, nhưng sự hỗ trợ, động viên còn ít ỏi.
Văn bản này ra đời trong bối cảnh trước đó Bộ Y tế có một văn bản gây tranh cãi, khi đề cập đến việc “kỷ luật y bác sĩ bỏ vị trí trong cao điểm dịch”.
Ngày 8-9, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể về vấn đề chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y, bác sĩ chống dịch.
TP.HCM: Ủng hộ “thẻ xanh vắc xin”
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết hiện nay việc tiêm vắc xin được ưu tiên hàng đầu để toàn bộ người dân đều có kháng thể với virus SARS-CoV-2, từ đó TP có thể mở cửa dần các hoạt động và sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Một trong các giải pháp mà TP.HCM đang nghiên cứu là áp dụng “thẻ xanh vắc xin”, cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được trở lại làm việc. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng (ĐH Y dược TP.HCM) – cho rằng đây sẽ là công cụ giúp quản lý nguy cơ trong bối cảnh “mở cửa dần”, phục hồi kinh tế. Thẻ này đã được nhiều nước áp dụng.
Tuy nhiên về tiêu chí khi áp dụng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng cần phải có đánh giá nguy cơ truyền nhiễm trên bình diện cộng đồng, từ đó mới đủ cơ sở phân loại áp dụng cho từng đối tượng được tham gia các hoạt động nào.
TP.HCM cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, chỉ bán mang đi
Từ ngày 9-9, UBND TP.HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hằng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.
Lâm Đồng mở lại quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, tiệm hớt tóc
Sau 17h ngày 8-9, Lâm Đồng cho mở lại quán cà phê, nhà hàng, khách sạn và tiệm hớt tóc, cho phép mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh đối với các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú từ 2 sao trở lên.
Bà Rịa – Vũng Tàu áp dụng giãn cách ‘nửa đỏ – nửa xanh’
Chiều 8-9, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định kéo dài áp dụng chỉ thị 16 đối với 4 địa phương “vùng cam” là Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ và Long Điền thêm 1 tuần và chỉ thị 15 đối với 4 địa phương còn lại.
Huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15. Riêng Côn Đảo đã áp dụng chỉ thị 15 từ ngày 26-8. Việc thực hiện chỉ thị 15 ở những vùng này có “nâng cao” – tức 15+.
Nha Trang nhiều ngày không có ca COVID-19 trong cộng đồng
Sau khi kết thúc 4 đợt giãn cách xã hội liên tiếp từ ngày 25-8 đến nay, số ca COVID-19 có chiều hướng giảm dần, từ ngày 3 đến 8-9 không xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Hiện toàn thành phố có 304 thôn, tổ “vùng xanh”, chiếm 83,7%; “vùng vàng” và “vùng cam” có 8 thôn, tổ; “vùng đỏ” giảm còn 51 thôn, tổ. Thành phố giảm từ mức nguy cơ rất cao, xuống mức nguy cơ cao.
Khánh Hòa cho người tiêm 2 mũi vắc xin sau 14 ngày được đi liên huyện
Từ ngày 8-9, những người đi qua chốt/trạm kiểm soát liên huyện ở Khánh Hòa phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ, hoặc chứng minh đã được tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 sau 14 ngày. Việc này áp dụng cả với người đã khỏi COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
Học sinh 8 huyện, thành phố tại Kiên Giang đến trường học từ ngày 13-9
Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang đã thông báo học sinh tất cả các cấp học tại 8 huyện, thành phố đang thực hiện chỉ thị 15/CT-TTg (gồm: U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải và thành phố Phú Quốc) được đến trường học từ ngày 13-9-2021.
Kế hoạch mở lại đường bay nội địa, khách phải có xét nghiệm âm tính
Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải, phê duyệt kế hoạch khai thác các đường bay thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh. Dự kiến sau ngày 15-9, các sân bay sẽ khai thác trở lại theo nhóm nguy cơ sẽ có các điều kiện khác nhau với chuyến bay.
Theo TTO