Trang chủ / Góc sinh viên / An toàn sinh học trong phòng xét nghiệm COVID-19

An toàn sinh học trong phòng xét nghiệm COVID-19

/ 12:46 am 28/12/2021

Nhiều hoạt động trong phòng xét nghiệm có liên quan đến các tác nhân không mong muốn như phải thường xuyên tiếp xúc với những bệnh phẩm chứa vi khuẩn, bệnh dịch, hóa chất… Chính vì vậy rủi ro về bệnh tật cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với các kỹ thuật viên. Để giảm thiểu rủi ro và cung cấp một môi trường làm việc tốt, thì vấn đề an toàn sinh học luôn được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Nhất là trong tình hình dịch Covid-19 hiện tại, mỗi kỹ thuật viên cần tuân thủ đúng và nghiêm ngặt về các quy định an toàn sinh học.

1. Đánh giá rủi ro:

Đánh giá rủi ro là một quá trình có tính hệ thống bao gồm thu thập thông tin, đánh giá khả năng xảy ra cũng như tác động của việc phơi nhiễm hoặc phát tán các tác nhân gây bệnh/mối nguy hiểm phòng xét nghiệm và xác định những biện pháp kiểm soát nguy cơ phù hợp để giảm thiểu nguy cơ đó. Bắt đầu tiến hành đánh giá rủi ro theo các bước mà tổ chức y tế thế giới (WHO) đã quy định nghĩa là bước đầu cần thu thập thông tin, đánh giá mức độ, lập kế hoạch kiểm soát rủi ro. Đối với mỗi rủi ro đã được xác định, cần tìm ra các biện pháp kiểm soát rủi ro thích hợp, lựa chọn và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu các rủi ro tồn đọng đến mức thấp nhất. Cuối cùng thực hiện đánh giá hiệu quả của biện pháp kiểm soát trên, nếu phù hợp sẽ tiếp tục ứng dụng cho những rủi ro tương tự sau này.

Hình 1. Sơ đồ đánh giá rủi ro

2. Trang thiết bị:

Để bảo vệ kỹ thuật viên trước nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, dịch tiết và giọt hô hấp mang các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khi tiếp xúc gần với người bệnh, thì phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân(PPE) như khẩu trang, găng tay dùng 1 lần, áo choàng phòng xét nghiệm, bao trùm đầu, giày kín mũi hay bao chân, kính bảo hộ….Các thiết bị bảo vệ cá nhân phải được sử dụng đúng loại, đúng cách, đúng kích thước. Bên cạnh đó, các phòng xét nghiệm cần trang bị đầy đủ các thiết bị để đảm bảo an toàn khi thực hiện các thao tác nguy hiểm như tủ an toàn sinh học cấp 2 hoặc cấp 3. Kiểm tra, chuẩn bị trước khi làm việc, tuân thủ thực hành tốt trong khi làm việc với tủ an toàn sinh học.

Hình 2. Trang thiết bị bảo hộ

3. Thiết kế cơ sở:

Các phòng xét nghiệm phải có không gian rộng rãi và có bồn rửa tay được chỉ định cung cấp riêng. Các cửa ra vào phải được dán biển cảnh báo, các bức tường của phòng thí nghiệm, sàn và đồ đạc phải nhẵn, dễ lau chùi, không thấm chất lỏng và chống lại các hóa chất và chất khử trùng thường được sử dụng trong phòng thí nghiệm. Phòng xét nghiệm được đặt ở vị trí riêng biệt, hạn chế người qua lại chỉ có những nhân viên y tế có thẩm quyền mới có thể tiếp cận được. Hệ thống thông gió trong phòng thí nghiệm được cung cấp nên đảm bảo luồng không khí không ảnh hưởng đến công việc, nơi phân lập virus phải có thông khí 1 chiều. Không gian và trang thiết bị của phòng thí nghiệm phải được cung cấp đầy đủ, thích hợp để xử lý, lưu trữ an toàn các chất lây nhiễm và các vật liệu nguy hiểm khác, chẳng hạn như hóa chất và dung môi. Phải cung cấp tiện nghi ăn uống cho nhân viên ở bên ngoài phòng thí nghiệm và các phương tiện sơ cứu đầy đủ.  Bên cạnh đó cũng cần cung cấp nguồn điện an toàn và đầy đủ ánh sáng trong phòng xét nghiệm. Các khu vực xử lý chất thải được đặt ngay cạnh phòng xét nghiệm.

4. Năng lực và đào tạo nhân sự:

Các kỹ thuật viên phải được tập huấn và có kinh nghiệm trong các kỹ năng cần thiết và hiểu biết về các kỹ thuật phòng xét nghiệm liên quan. Song song với sự phát triển không mong muốn của tình hình dịch Covid-19 hiện tại, các kỹ thuật viên cần được đào tạo liên tục, cập nhật những kỹ năng mới để ứng phó kịp thời. Hơn thế nữa, mỗi kỹ thuật viên cũng cần hiểu rõ các nguy cơ rủi ro có thể gặp phải, luôn trong trạng thái tập trung, chuyên nghiệp khi làm việc.

5. Các yêu cầu cơ bản:

Quá trình lấy mẫu có nguy cơ lây nhiễm từ mức độ trung bình đến cao, các kỹ thuật viên cần trang bị các thiết bị bảo vệ cá nhân, bảo vệ mắt, đảm bảo có đầy đủ dụng cụ, vật tư. Nơi thực hiện lấy mẫu cần được thông khí đầy đủ, hạn chế số người có mặt tại khu vực lấy mẫu. Sau khi thực hiện lấy mẫu, cần đóng gói và vận chuyển mẫu một cách an toàn. Các mẫu bệnh phẩm được vận chuyển nội bộ thực hiện đóng gói 2 lớp, sử dụng xe đẩy nếu vận chuyển nhiều mẫu, có sẵn bộ xử lý tràn đổ, khử nhiễm cần thiết. Đối với vận chuyển giữa các đơn vị khác nhau, các mẫu từ người nghi ngờ hoặc khẳng định nhiễm SAR_CoV2 phải được đóng gói và vận chuyển theo quy định như chất lây nhiễm loại B (UN3373), đóng gói 3 lớp. Chủng vi rút nuôi cấy được đóng gói và vận chuyển theo quy định như chất lây nhiễm loại A, UN 2814. Khi thực hiện nhận mẫu, cần kiểm tra chất lượng mẫu bao gồm đầy đủ thông tin và tình trạng nguyên vẹn của mẫu. Các dụng cụ và môi trường bảo quản mẫu cần tuân thủ nguyên tắc vô trùng của thực hành vi sinh tốt.

Quy trình và thực hành vi sinh tốt (GMPP) luôn là yếu tố quan trọng cần chú ý đến. Các vật dụng cá nhân đều phải để ngoài phòng xét nghiệm. Trước khi thực hiện các kỹ thuật liên quan, cần sát khuẩn tay đúng cách. Cần xử lý vết thương hở, ngoài da trước khi vào phòng xét nghiệm. Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay khi không cần thiết. Tất cả các tác nhân sinh học và hóa chất và chất phóng xạ đảm bảo ghi nhãn thích hợp. Các kỹ thuật viên chú ý tránh hít trực tiếp các tác nhân sinh học và ngăn ngừa sự phát tán của chúng. Sử dụng kỹ thuật GMPP để giảm thiểu sự hình thành của sol khí và giọt khi thao tác với mẫu vật. Xử lý cẩn thận vật sắc nhọn để ngăn ngừa thương tích và nguy cơ truyền nhiễm của các tác nhân sinh học. Tránh việc nuốt phải hoặc tiếp xúc trực tiếp các tác nhân sinh học với da, mắt.

Để giảm thiểu khả năng lây nhiễm tối đa, cần ngăn ngừa sự phát tán của các tác nhân sinh học bằng cách khử nhiễm và quản lý chất thải cẩn thận. Các chất khử thường sử dụng như natrihypoclorit (0,1%) để khử trùng bề mặt, natrihypoclorit (1%) để khử trùng mẫu tràn ra, 70% etanol; povidone ‐ iodine (7,5%), chloroxylenol (0,05%), benzalkonium chloride (0,1%), cần đặc biệt chú ý không chỉ đến việc lựa chọn chất khử trùng mà còn cả thời gian tiếp xúc, độ pha loãng, hạn sử dụng. Bất kỳ bề mặt hoặc vật liệu có nguy cơ hoặc bị ô nhiễm bởi các tác nhân sinh học trong phòng thí nghiệm đều phải được khử trùng đúng cách để kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm. Chất thải được phân loại gồm chất thải lây nhiễm nguy cơ cao, chất thải lây nhiễm và chất thải thông thường. Phải có đầy đủ các phương tiện để chứa, thu gom và vận chuyển chất thải theo đúng quy định. Chất thải lây nhiễm phát sinh liên quan đến COVID-19 phải được hấp tiệt trùng trước khi chuyển đến nơi tập trung xử lý chất thải nguy hại. Trường hợp không thể khử nhiễm trong phòng thí nghiệm chất thải ô nhiễm trong khu vực hoặc tại chỗ phải được đóng gói trong vật dụng chống rò rỉ, để chuyển đến cơ sở khác khử nhiễm.

ThS. Lê Thị Đào – Khoa KTXNYH

Nguồn:

https://www.who.int/publications/i/item/laboratory-biosafety-guidance-related-to-coronavirus-disease-(covid-19)

https://www.hics.org.vn/sites/default/files/attachment/5._ts._bui_khanh_chi__atsh_trong_xn_sars-cov-2_-_hics_23dec2020-2.pdf

https://vncdc.gov.vn/files/Notice/2017/3/huong-lay-mau-van-chuyen-bao-quan-mau-benh-pham.pdf

Hình ảnh:(internet)

Tags:
1900 2039