Tính đến tối muộn 20-10, Bộ Y tế cho biết đã có 60/63 tỉnh thành cả nước đánh giá xong và công bố cấp độ dịch, có 26/63 tỉnh thành đang ở cấp độ 1, tức là vùng xanh, vùng bình thường mới, cả nước chỉ còn hơn 20 xã là vùng đỏ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 60/63 tỉnh thành hoàn tất đánh giá và công bố cấp độ dịch theo hướng dẫn của Nghị quyết 128 của Chính phủ, quyết định 4800 của Bộ Y tế. Đến tối 20-10, chỉ còn 3 tỉnh Gia Lai, Tây Ninh Bình Định là chưa có báo cáo đánh giá cấp độ dịch gửi Bộ Y tế.
Trong số 60/63 tỉnh thành đã công bố cấp độ dịch kể trên, có 26/60 tỉnh thành đang ở cấp độ 1, vùng xanh tính trên quy mô tỉnh. Cả nước chỉ còn Bình Dương xác định trên phạm vi toàn tỉnh là vùng cam, vùng nguy cơ cao. 33 tỉnh thành là vùng vàng, nguy cơ trung bình, trong đó có TP.HCM.
Tuy nhiên trong các tỉnh thành vùng xanh thì ở quy mô cấp huyện, xã vẫn có những xã là vùng vàng hoặc cam, đỏ. Đến nay cả nước chỉ còn hơn 20 xã là vùng đỏ, đại đa số là vùng xanh, vàng. Các đánh giá này dựa trên tiêu chí tỉ lệ mắc mới, tỉ lệ tiêm vắc xin, số giường cấp cứu tại địa phương.
Riêng tại Hà Nội, công bố ở phạm vi TP là vùng xanh, nhưng trên phạm vi xã phường có tới gần 1/3 là vùng vàng. Nhiều chuyên gia bình luận cách tính và thống kê của Hà Nội có nhầm lẫn, do Hà Nội xác định cấp độ dịch tính trên số ca mắc từ 27-4 đến nay, vì thế nhiều xã phường đã hơn 2 tháng không ghi nhận ca COVID-19 mới vẫn bị tính là vùng vàng.
Bình Dương giải thể bệnh viện dã chiến 37.000 giường vào cuối tháng 10
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tỉnh chỉ còn hơn 8.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị trong các bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị COVID-19. Riêng Bệnh viện dã chiến Thới Hòa chỉ còn hơn 300 bệnh nhân COVID-19.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, số bệnh nhân này sẽ được chuyển sang cơ sở điều trị khác và bệnh viện dã chiến Thới Hòa với sức chứa lên đến 37.000 giường đóng cửa vào cuối tháng 10.
Ngoài ra, tỉnh cũng giải thể, trả lại cơ sở vật chất trường học, trung tâm văn hóa… ở các huyện trước đó trưng dụng làm khu cách ly tập trung, khu điều trị. Bình Dương là vùng dịch nóng thứ 2 của cả nước trong thời gian qua, chỉ sau TP.HCM. Hiện số mắc mới hàng ngày của Bình Dương đã giảm nhiều.
Từ 21-10: đi máy bay, tàu hoả từ vùng đỏ, chưa tiêm vắc xin chỉ cần xét nghiệm âm tính
Từ ngày 21-10, máy bay, tàu hỏa được tăng tần suất khai thác. Hành khách đi máy bay, tàu hỏa từ nơi có dịch cấp độ 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao) và chưa tiêm vắc xin chỉ cần có xét nghiệm âm tính COVID-19, tiêm vắc xin đủ liều hoặc khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng thì không cần xét nghiệm.
Bộ Giao thông vận tải quyết định tăng tần suất đường bay Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng và Đà Nẵng – TP.HCM từ 1 chuyến khứ hồi/ngày lên 6 chuyến khứ hồi/ngày từ 21-10 đến 14-11; từ ngày 15 đến 30-11 tăng lên không quá 7 chuyến khứ hồi/ngày.
Với đường sắt, tuyến Hà Nội – TP.HCM sẽ khai thác tối đa 4 đôi tàu, thay vì 2 như giai đoạn từ ngày 10 đến 20-10. Tuyến Hà Nội – Hải Phòng chạy 7 đôi tàu/ngày. Tuyến Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Đà Nẵng mỗi hành trình chạy 1 đôi tàu/ngày.
Việt Nam đã tiêm được gần 70 triệu mũi vắc xin
Trong 2 ngày 19 và 20-10, cả nước đã tiêm được gần 3,8 triệu mũi vắc xin COVID-19. Đây là số mũi tiêm đạt cao nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu tiêm chủng vào tháng 3-2021, nâng tổng số mũi tiêm cho đến nay đạt gần 70 triệu mũi.
Hiện ngoài vắc xin nhận được từ COVAX và các quốc gia nhờ “ngoại giao vắc xin”, Chính phủ và các địa phương đã chỉ 18.100 tỉ đồng để mua vắc xin COVID-19.
Theo TTO